A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025

Ngày 03/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1677/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025.

Theo Đề án, trong giai đoạn 2018 - 2020, mạng lưới trường lớp được củng cố mở rộng, đủ năng lực huy động trẻ em đến trường, phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 30% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 92% trẻ em độ tuổi mẫu giáo, trong đó hầu hết trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đến trường, tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 25% trở lên. Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 98,5% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm, tỷ lệ trẻ em thừa cân - béo phì được khống chế. Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 70% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên. 100% trường mầm non hoàn thành tự đánh giá, trong đó có ít nhất 45% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

Giai đoạn 2021 - 2025 phát triển mạng lưới trường lớp mầm non, bảo đảm đến năm 2025, huy động được ít nhất 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 30% trở lên. Phấn đấu đến năm 2025, có 99,5% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày; duy trì tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm, tỷ lệ trẻ em thừa cân - béo phì được khống chế. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 80%, có ít nhất 50% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; có ít nhất 60% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

Để đạt các mục tiêu trên, Đề án đã đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: (1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non; (2) Huy động nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục mầm non; (3) Đổi mới công tác quản lý giáo dục mầm non; (4) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục mầm non; (5) Đổi mới nội dung, chương trình giáo dục mầm non; (6) Nâng cao chất lượng chăm sóc, sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ mầm non; (7) Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non; (8) Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non; (9) Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non; (10) Tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong giáo dục mầm non.

Đối với địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND cấp tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn.

 Thanh Sơn


Tập tin đính kèm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết